1. DSA là gì ?
DSA được viết tắt bởi cụm từ Digital Subtraction Angiography, đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh kết hợp giữa việc chụp X-quang và xử lý số sử dụng thuật toán để xóa nền trên 2 ảnh thu nhận được trước và sau khi tiêm chất cản quang vào cơ thể người bệnh, nhằm mục đích nghiên cứu mạch máu trong cơ thể.
Hệ thống DSA
Hình ảnh mạch máu thu được bằng kỹ thuật DSA
2. Hệ thống cấu tạo DSA như thế nào?
Một hệ thống DSA thường bao gồm các thành phần như bộ phát tia X (đầu đèn), bộ phận thu nhận hình ảnh, bộ phận xử lý hình ảnh số và bộ phận hiển thị….Bộ phận trung tâm của hệ thống đó là bộ xử lý hình ảnh số (digital image processing system). Nó sẽ thu thập hình ảnh từ video camera và tạo ra tín hiệu điều khiển xung theo thời gian cho cả bộ phận phát tia X và hệ thống thu nhận hình ảnh nhằm mục đích điều khiển được việc thu và phát tín hiệu giữa 2 hệ thống này.
Quá trình thu nhận hình ảnh được bắt đầu khi xung kích theo thời gian được truyền đến bộ phận phát tia, khi đó tia X được phát ra, đi xuyên qua cơ thể người bệnh và được thu nhận bằng bầu tăng quang (Image Intensifier). Một ống kính được đặt giữa bầu tăng quang và video camera nhằm giới hạn số lượng ánh sáng truyền đến camera.
Sau khi nhận tín hiệu ánh sáng từ bầu tăng quang, video camera sẽ chuyển sang tín hiệu video và đưa chúng vào bộ xử lý hình ảnh dưới dạng analog. Tại bộ phận xử lý hình ảnh, tín hiệu analog sẽ được số hóa và lưu trữ vào bộ nhớ, chúng được sử dụng để thực hiện việc so sánh và xóa nền với một ảnh khác ở 1 thời điểm hay ở 1 mức năng lượng khác.
Thuật toán thông dụng trong hệ thống X-quang số được sử dụng để xóa nền là thuật toán xóa theo thời gian. (Temporal subtraction).
Trong quá trình thực hiện thuật toán này, hình ảnh ban đầu được thu nhận. Sau đó, chất cản quang sẽ được đưa vào cơ thể thông qua đường tĩnh mạch. Tiếp theo là quá trình thu nhận ảnh động khi chất cản quang đi vào cơ thể trong 1 đơn vị thời gian được cài đặt sẵn. Bộ phận xử lý hình ảnh sẽ lấy ảnh thu nhận được khi chưa có chất cản quang làm ảnh nền (ảnh mask) và tiến hành loại trừ ảnh nền với ảnh thu được khi có chất cản quang đối với những cấu trúc giải phẫu tĩnh giống nhau giữa 2 ảnh. Như trên mô hình, ta có thể thấy được hình ở trên phía bên trái là hình mask, còn hình bên phải là hình thu nhận được khi có chất cản quang đưa vào, ảnh còn lại là kết quả loại trừ của 2 ảnh trên.
Các thành phần cơ bản của hệ thống DSA
Bầu tăng quang (Image Intensifier)
Mục đích chính sử dụng bầu tăng quang ở trong hệ thống DSA đó là giảm liều chiếu cho bệnh nhân và bảo đảm được chất lượng hình ảnh thu được
Hệ thống ống kính thu nhận ánh sáng (Light Aperture)
Tương tự như hệ thống ống kính của máy chụp hình, nó được đặt ngay tại ngõ ra của bầu tăng quang nhằm thay đổi số lượng ánh sáng đi vào video camera cho từng liều chiếu cụ thể.
Video Camera
Một trong những bộ phận then chốt của hệ thống X-quang kỹ thuật số nói chung và DSA nói riêng là video camera. Nó có chức năng chính là tạo ra tín hiệu điện tử analog tỉ lệ với số lượng ánh sáng thu nhận được thông qua hệ thống ống kính (light aperture)
Bộ xử lý hình ảnh số
Bộ xử lý hình ảnh số là bộ phận trung tâm của hệ thống DSA. Nó thực hiện các chức năng chính như:
Thu nhận và số hóa hình ảnh video.
Lưu trữ hình ảnh số vào bộ nhớ.
Thực hiện các thuật toán trên hình ảnh lưu trữ
Hiển thị hình ảnh trên màn hình theo dõi
Lưu trữ hình ảnh và dữ liệu trong đĩa cứng hoặc đĩa quang từ.
Bộ xử lý hình ảnh thường bao gốm 1 vi xử lý hoặc một hệ thống điều khiển bằng máy tính để điều khiển và kiểm soát hoạt động của quá trình phát tia X, quá trình xử lý dữ liệu.
Hiện nay, hệ thống chụp DSA đã được tích hợp vào trong những máy X-quang số di động nhỏ gọn, thích hợp cho việc chẩn đoán trực tiếp ngay trên bàn mổ hoặc ngay trên giường bệnh.
3. Chụp DSA cho ta thông tin gì?
Những hình ảnh thu được từ DSA cung cấp thông tin chính xác về quá trình lưu thông máu khi đi qua các bộ phận của cơ thể đặc biệt là quá trình cung cấp máu cho não và tim. Qua đó, bác sĩ có thể sớm phát hiện tình trạng bất thường của mạch máu như mạch bị co hẹp, tắc nghẽn, phình mạch ... và một số các bệnh lý như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não ...
4. Kỹ thuật DSA thường dùng để chẩn đoán và điều trị trong trường hợp nào?
DSA thường dùng để chẩn đoán và điều trị trong trường hợp như
- Chụp chẩn đoán và can thiệp động mạch vành.
- Thuyên tắc động mạch tử cung để điều trị u xơ tử cung, chảy máu tử cung.
- Thuyên tắc động mạch phế quản để điều trị ho ra máu
- Thuyên tắc hóa dầu để điều trị ung thư gan (thủ thuật TOCE)
- Đặt giá đỡ động mạch; Chụp động mạch đùi.
- Chụp chẩn đoán và điều trị can thiệp bệnh lý động mạch cảnh, động mạch não
- Đặt máy tạo nhịp tim.
- Thuyên tắc động mạch phế quản và tử cung.
- Chụp u xơ tử cung, u gan; Chụp mạch máu ngoại vi
…
Hình ảnh chụp DSA phình mạch não
5. Ưu điểm của kỹ thuật DSA?
Ưu điểm của kỹ thuật này là giúp các bác sĩ phát hiện sớm các tình trạng bất thường của dòng máu, giúp cho việc chẩn đoán và điều trị chính xác các bệnh lý nghiêm trọng có liên quan đến sự tuần hoàn của máu trong cơ thể, lên kế hoạch giải phẫu và giúp xác định chính xác các vị trí tổn thương bên trong cơ thể.
6. Quá trình chụp DSA
Trước khi tiến hành chụp DSA, các bác sĩ sẽ tiêm vào cơ thể bạn một chất nhuộm có nhiệm vụ làm sáng mạch máu, chất nhuộm này hoàn toàn vô hại và sẽ thải ra ngoài cơ thể qua nước tiểu của bạn. Trong suốt quá trình chụp DSA, bạn sẽ được chăm sóc bởi một đội ngũ nhân viên y tế bao gồm bác sĩ tim mạch, bác sĩ X-quang, y tá và kỹ thuật viên điện tâm đồ. Các bác sĩ sẽ theo dõi mạch và nhịp tim bạn trong suốt quá trình chụp DSA, máy sẽ quay 360 độ và chụp một loạt hình ảnh phức tạp.
7. Chụp DSA có gây đau không?
Quá trình chụp DSA không gây đau, lúc đầu bạn có thể cảm thấy hơi khó chịu do sau khi tiêm thuốc. Nếu bạn quá căng thẳng, các bác sĩ có thể cho bạn sử dụng thuốc an thần nhưng điều này thường không cần thiết.
Viết bình luận