“Tôi xin nhận trách nhiệm khi người dân đến hiệu thuốc nào cũng mua được thuốc không cần theo toa. Trong nhiệm kỳ này, ngành sẽ cố gắng để chấn chỉnh, dù rất khó” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Có đến gần 60 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại phiên chất vấn của QH ngày 14-6. Các chất vấn tập trung vào vấn đề chất lượng thiết bị y tế, tình trạng “mua thuốc dễ như mua rau”, việc loạn giá thuốc tại các cơ sở y tế...
Thiết bị chưa hết khấu hao đã hỏng
Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Chiến (Hà Nội) đặt câu hỏi liên quan đến báo cáo công bố kết quả kiểm toán công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng thiết bị y tế năm 2015. Theo đó, nhiều thiết bị chưa hết thời gian khấu hao đã hỏng, không sử dụng được; nhiều loại được đầu tư mới nhưng đắp chiếu, có thiết bị vừa sử dụng đã hỏng. Đặc biệt, cùng một loại vật tư, hóa chất, cùng một nhà cung cấp nhưng được Bộ Y tế phê duyệt giá giữa các bệnh viện (BV) khác nhau, có loại chênh lệch đến bảy lần.
“Bộ Y tế có biện pháp nào quản lý việc nhập khẩu, nâng cao chất lượng thiết bị?” - ông Chiến hỏi.
Đáp lại, bộ trưởng Bộ Y tế cho hay do ngân sách không đủ nên đúng là có việc một số BV mua máy chưa hết thời gian khấu hao đã hỏng, do dùng công suất lớn, đặc biệt ở tuyến tỉnh.
“Một số máy đắp chiếu, có thể do máy đang trong thời gian bảo hành, bảo trì” - bà Tiến lý giải.
Giải thích về việc “hiệu quả chưa cao”, bà Tiến cho rằng: “Có lẽ Việt Nam là nơi sử dụng máy công suất khá lớn. Đáng lẽ chúng ta phải mua nhiều máy hơn, thời gian khấu hao phải tốt hơn nữa”.
Giải trình về việc chênh lệch giá cao, một loại thiết bị, cùng một hãng có thể chênh đến 6-7 lần, người đứng đầu ngành y tế nói: “Kiểm toán có quyền kết luận, các cơ sở y tế không đồng thuận với kết luận này”.
Theo bà Tiến, trang thiết bị vật tư y tế có thể rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã, cách đóng gói, đặc biệt là sử dụng. Ví dụ, kim cánh bướm mà các BV mua sử dụng: Nếu kim thông thường BV Việt Đức mua giá 6.000-7.000 đồng nhưng BV Chợ Rẫy mua với giá cao gấp bảy lần. Cùng là kim cánh bướm nhưng loại của Chợ Rẫy có khóa, van, đầu vát hơn tránh đau cho người ghép tạng.
Không hài lòng với phần trả lời này, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu cho hay theo tài liệu báo cáo kiểm toán, trong bốn danh mục ông đọc thì có danh mục mua cao hơn giá thị trường, giá bảo hiểm y tế 400%-715%.
“Đề nghị bộ trưởng cho tôi một bản giải trình khi bộ trưởng không chấp nhận kết quả kiểm toán” - ông Cầu nói.
Bộ trưởng Tiến nói sẽ trả lời chất vấn của ĐB Cầu bằng văn bản.
Chấn chỉnh giá thuốc trong bệnh viện
Nhiều ĐBQH chất vấn người đứng đầu ngành y tế về tình trạng bán thuốc không cần đơn, tình trạng loạn giá thuốc...
ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội) phản ánh tình trạng kháng thuốc đang ở mức báo động. Trên thế giới, hằng năm có hàng triệu người chết do kháng thuốc và phải chi hàng trăm tỉ đô cho kháng thuốc. Ông Ánh sau đó dẫn số liệu khảo sát gần 3.000 hiệu thuốc từ nông thôn tới thành thị ở phía Bắc, có tới 88%-91% hiệu thuốc bán không theo đơn bác sĩ.
“Trách nhiệm của bộ trưởng và giải pháp nào trong việc lập lại kỷ cương trong việc quản lý các cơ sở buôn bán dược liệu và hạn chế lạm dụng kháng sinh” - ĐB Minh Ánh đặt câu hỏi.
Tương tự, ĐB Phạm Văn Tuân (Thái Bình) đề nghị bộ trưởng cho biết khi nào chấm dứt được tình trạng dược sĩ kê đơn thay bác sĩ.
“Tôi xin nhận trách nhiệm khi người dân đến hiệu thuốc nào cũng mua được thuốc không cần theo toa. Trong nhiệm kỳ này, ngành sẽ cố gắng để chấn chỉnh, dù rất khó” - bộ trưởng nói và cho hay ngành đã ban hành nhiều thông tư về kê đơn, quản lý quầy thuốc đạt chuẩn nhưng họ không tuân theo.
Riêng vấn đề lạm dụng kháng sinh, bộ trưởng cho biết Bộ đã trình Chính phủ chiến lược về phòng, chống kháng kháng sinh, cố gắng thời gian tới sẽ chuyển sang kê đơn điện tử, bệnh án điện tử để sử dụng thuốc hợp lý hơn.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng đang có tình trạng loạn giá thuốc khi không có niêm yết giá, hoặc có niêm yết thì mỗi nơi một khác. “Nhập vào giá thấp, bán ra giá cao gấp nhiều lần nên lợi nhuận mang lại cho doanh nghiệp dược phẩm là kếch xù, còn thiệt thòi thuộc về người bệnh và ngân sách nhà nước. Bộ trưởng có suy nghĩ gì?” - ĐB Hòa chất vấn.
Bộ trưởng Tiến cho rằng việc giá giữa quầy thuốc bán lẻ khác nhau là do theo quy luật thị trường. Với thuốc trong BV, bộ trưởng cho biết sắp tới sẽ điều chỉnh quy định để việc áp giá quầy thuốc BV phải bằng giá BV đã mua.
Trục lợi BHYT, nguy cơ vỡ quỹ
Trước chất vấn của các ĐBQH liên quan đến việc trục lợi quỹ BHYT cũng như nguy cơ vỡ quỹ, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết do đối tượng phục vụ quá lớn, lên đến 150 triệu lượt người, rải rác ở 14.000 cơ sở khám chữa bệnh nên tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT diễn ra tương đối phổ biến.
“Có những thủ thuật, quy trình chung chỉ cần hai ngày nhưng có BV lên tới hơn bảy ngày. Giường bệnh ở tuyến huyện thường là không sử dụng hết 100% công suất nhưng hiện có những tỉnh báo lên thanh toán với BHYT 200%-300% công suất. Rất không bình thường” - bà Minh dẫn chứng.
Theo lãnh đạo BHXH, tổng quỹ BHYT năm 2017 là 73.000 tỉ đồng nhưng theo số chi quý I báo cáo lên, năm nay nhu cầu chi sẽ khoảng 80.000 tỉ đồng, hụt 7.000 tỉ đồng.
“Chuyện tiêu cực có thể xảy ra ở bất cứ đâu, nhất là khi chúng ta có cơ chế quản lý còn lỏng lẻo, đa số cho tới nay BHYT chưa hoàn tất được việc liên thông tất cả số liệu. Chúng ta làm thủ công và người này không biết người kia làm cái gì. Phải xem lại trách nhiệm chứ không nên đổ lỗi cho người dân cũng như ngành y tế. Tất cả đều vì cái nghèo mà ra” - ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) bấm nút tranh luận.
Theo bà Lan, thu ít nhưng lại muốn chi nhiều thì sớm muộn sẽ vỡ quỹ. Nếu không muốn vỡ quỹ thì phải xem lại bài toán đặt ra thế nào, phải tăng cường nguồn bảo hiểm ra sao... chứ không chỉ nhăm nhăm siết chi.
___________________________
Hơn 7.000 là số lượng cán bộ y tế trong toàn ngành bị xử lý kỷ luật, từ khiển trách, cảnh cáo đến buộc rời khỏi ngành theo thông tin từ bộ trưởng Bộ Y tế.
(Theo PLO)
Viết bình luận