Câu chuyện Ông Trần Ngọc Phúc và thương hiệu thiết bị y tế Metran nổi tiếng thế giới

Thương hiệu thiết bị y tế Metran nổi tiếng thế giới được giới chuyên môn đánh giá cao và sử dụng trong những cơ sở y tế hàng đầu Nhật Bản. Tuy nhiên ít ai biết rằng người sáng lập và gây dựng nên Metran lại là một người Việt Nam, ông Trần Ngọc Phúc.
Từ cơ duyên tham gia làm phiên dịch cho đoàn y bác sĩ VN sang Nhật trao đổi nghiệp vụ trước khi thực hiện mổ tách song sinh Việt - Đức tại Bệnh viện Từ Dũ năm 1988, ông Trần Ngọc Phúc - nhà sáng lập, Tổng giám đốc Công ty sản xuất thiết bị y tế Metran (Nhật) - đã đi đến quyết định về nước đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất thiết bị y tế tại Bình Dương.


Ông Phúc (bìa trái) hướng dẫn Nhật hoàng và đoàn Hoàng gia Nhật thăm Nhà máy Metran của ông ở Nhật

Ảnh: Ông Trần Ngọc Phúc cung cấp

Người được Nhật hoàng đặt hàng

Năm 2014, trên khuôn viên đất rộng hơn 27.500 m2 đất tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, Bình Dương, nhà máy có diện tích trên 2.000 m2 đất của Công ty Metran Vitec, công ty con của Metran tại Nhật, đã được hoàn thành. Chủ đầu tư - ông Trần Ngọc Phúc - cho biết tổng đầu tư nhà máy trong giai đoạn đầu trên 1 triệu USD.

Sản phẩm để đưa tên tuổi Trần Ngọc Phúc nổi tiếng tại Nhật và trong cộng đồng y khoa thế giới chính chiếc máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số (HFO) dành cho trẻ sinh thiếu tháng do ông chế tạo. Đây là một sản phẩm kỹ thuật cao, hiện đã có gần 1.500 chiếc HFO được trang bị tại 90% bệnh viện, phòng chăm sóc trẻ sơ sinh trên toàn nước Nhật. Hàng trăm chiếc đã được xuất khẩu đến 12 quốc gia trên thế giới. Tại VN, chiếc máy cao tần số đầu tiên được Metran tặng cho Bệnh viện Nhi Hà Nội và đến nay, nhiều bệnh viện phụ sản lớn trong nước cũng đã đầu tư chiếc máy này. Giá bán cho mỗi chiếc HFO từ 400 - 800 triệu đồng.

Ông Phúc cho biết Công ty sản xuất thiết bị y tế Metran do ông sáng lập ở Nhật thuộc nhóm 300 doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ có tiềm năng phát triển mạnh và được Chính phủ Nhật  từng hỗ trợ khoảng 1 triệu USD để đầu tư nghiên cứu cách đây 7 năm. Metran tại Nhật cũng là DN duy nhất được Nhật hoàng chọn ghé thăm trong năm 2012. “Gặp được ngài đã là ước mơ của toàn dân Nhật. Với tôi, đây là một kỷ niệm đáng nhớ của đời mình”, ông Phúc nói. Lúc đó, ông Phúc cũng đã được Nhật hoàng đặt hàng nghiên cứu chiếc máy “trợ thở” cho những người lớn tuổi bị hội chứng suy giảm hô hấp cấp để Nhật hoàng có thể dùng làm quà tặng cho các hoàng tộc khác trên thế giới.

Hàng Việt sẽ không thua hàng Nhật
 

Nhà máy của Metran tại VN hiện chuyên tập trung nghiên cứu và sản xuất một số thiết bị dùng cho chiếc máy HFO. Ngoài ra, công ty đang có 3 bộ phận nghiên cứu và sản xuất 3 dòng sản phẩm chính được dùng cho bệnh viện (các loại máy hô hấp nhân tạo), dùng tại nhà và sản phẩm dùng một lần rồi bỏ (ống thở). Theo ông Phúc, nhiệm vụ của bộ phận nghiên cứu tại Nhật mà trong tương lai gần là tại VN là làm thế nào để cho ra giá thành sản phẩm thấp nhất ở mức có thể để sản phẩm được phổ biến rộng rãi hơn. Được biết, các sản phẩm của công ty được sản xuất tại VN đã được Bộ Y tế Nhật Bản đồng ý cho nhập khẩu vào thị trường Nhật để hoàn tất công đoạn cuối xuất khẩu sang các thị trường khác. Theo nhận xét của các chuyên gia ngành y khoa, đạt được điều này là không dễ chút nào, bởi Nhật là quốc gia nổi tiếng khắt khe trong kiểm định các thiết bị liên quan đến sức khỏe, mạng sống con người.

Ông Trần Ngọc Phúc (tên Nhật là Kazufuku Nitta) sinh năm 1947 ở Thừa Thiên-Huế. Sang Nhật du học năm 1968, ông tốt nghiệp kỹ sư Đại học Tokai University. Phát minh máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số (HFO) cho trẻ sơ sinh, sinh thiếu tháng đã nhận nhiều giải thưởng lớn tại Nhật và Mỹ. Công ty Metran ở Nhật đã được nhận nhiều giải thưởng lớn của Chính phủ Nhật.

Đã hơn 40 năm xa quê, ông Phúc nói đã có kế hoạch sau khi về hưu sẽ chuyển toàn bộ sự nghiệp của mình cho hai người con trai, để tiếp tục đưa giấc mơ của ông về một sản phẩm “made in VN” không thua kém “made in Japan” trên thương trường quốc tế. Với ông, chiếc máy HFO của Nhà máy Metran Vitec tại VN đã vượt qua những cánh cửa kiểm soát khắt khe nhất để đĩnh đạc bước vào nước Nhật là bước đầu minh chứng cho giấc mơ có thật của ông.

Nguyên Nga (báo Thanh Niên)

Viết bình luận